Môi-se, Người Chăn Bầy Gương Mẫu

Tác giả:

Danh mục:

Tác giả: Mục sư Nguyễn Văn Đại
Kinh Thánh:  Xuất Ai Cập Ký 4:1-8 và Hê-bơ-rơ 11:23-28.
Câu nền tảng:  Xuất Ai Cập Ký 32:32 
“Nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Nếu không, xin Ngài xóa tên con khỏi sách Ngài đã viết”.

 

Lãnh tụ Môi-se là một nhân vật vĩ đại trong Thánh Kinh Cựu Ước. Trong Tân Ước, Hê-bơ-rơ 11 khi nhắc đến các vị anh hùng đức tin đã dành sáu câu Kinh Thánh ca ngợi về cuộc đời vị lãnh tụ này. Dưới lăng kính thuộc linh, Môi-se đích thực là một người chăn bầy gương mẫu theo cả nghĩa đen (làm nghề chăn chiên) lẫn nghĩa bóng (lãnh đạo tuyển dân Y-sơ-ra-ên) theo Hê-bơ-rơ 11:23-28.

Trải suốt 120 năm sống trên đất, chương trình Đức Chúa Trời dành cho Môi-se thật kỳ diệu. Ông được cứu vớt và nuôi dưỡng bởi nền văn minh hoàng triều Ai Cập xuyên suốt 40 năm. Ông được tôi luyện kinh nghiệm chăn dắt bầy chiên suốt 40 năm trong nắng cháy và giá lạnh của sa mạc hoang vu. Qua đó, ông hiểu rõ các dân tộc và nắm vững địa bàn tiến về đất hứa. Từ đó, Môi-se thuận phục tiếng gọi của Đức Chúa Trời từ bụi gai cháy không tàn mà dấn thân chăn dắt đoàn dân Y-sơ-ra-ên tiến về Ca-na-an trong 40 năm. Môi-se qua đời khi được 120 tuổi. Ông được Đức Chúa Trời chôn trên đỉnh Phích-ga, cao nguyên Mô-áp. Dân Y-sơ-ra-ên đã thương khóc ông trong 30 ngày (Công Vụ 7:22; Xuất Ai Cập Ký 2:1-10, 11-25; 3:1-22; 4:1-23; Phục Truyền 34:5-8).

Chức vụ chăn bầy của Môi-se đã trở nên gương mẫu cho hậu thế. Qua đó, chúng ta cùng suy gẫm ba khía cạnh nổi bật nơi mục vụ chăn bầy của Môi-se: Vâng phục, phẩm chất và hy sinh. 

I. VÂNG PHỤC CỦA NGƯỜI CHĂN BẦY (Xuất Ai Cập Ký 4:1-5)

Trong chương trình kỳ diệu của Chúa, Môi-se được công chúa Pha-ra-ôn cứu vớt từ thơ ấu, sống và học hỏi kiến thức của hoàng gia Ai Cập. Do phạm tội cố sát bởi lòng yêu thương đồng bào Do Thái, ông phải đào tẩu vào sa mạc. Tại đây, ông kết hôn với Sê-phô-ra nhân hậu và làm rể tại nhà thầy tế lễ Giê-trô. Môi-se nhận lấy công việc chăn chiên trong sa mạc. Ông được tôi luyện để trở nên một người chăn bầy ròng rã 40 năm.

Khi đúng thời điểm, Đức Chúa Trời hiện ra nơi bụi gai cháy không tàn ngay lúc Môi-se đang chăn chiên để trao sứ mạng đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cuộc sống nô lệ tại Ai Cập. Môi-se nhận thức sứ mạng này rất khó khăn, đặc biệt ở nơi lòng dân, nên Môi-se thưa với Chúa: “Nhưng họ sẽ không tin và không nghe lời con, vì họ sẽ nói: ‘Đức Giê-hô-va nào có hiện ra với ông đâu!’” (Xuất Ai Cập Ký 4:1). Chúa thấu hiểu ông phải đối diện với dân Y-sơ-ra-ên “cứng trán, cứng lòng” (Ê-xê-chi-ên 3:7; Rô-ma 11:7, 25). Cho nên, Ngài trang bị cho người chăn chiên Môi-se thêm lên lòng tự tin và can đảm đối diện khó khăn bằng cách được trải nghiệm quyền năng của Chúa. “Đức Giê-hô-va hỏi: ‘Con đang cầm vật gì trong tay?’ Môi-se thưa: ‘Một cây gậy’. Chúa phán: ‘Hãy ném nó xuống đất đi’. Ông ném gậy xuống đất và cây gậy biến thành một con rắn. Môi-se chạy trốn con rắn. Nhưng Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Hãy đưa tay nắm lấy đuôi nó’. Ông đưa tay bắt con rắn và nó lại biến thành cây gậy trong tay ông. Đức Giê-hô-va phán: ‘Việc nầy là để họ tin rằng Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ họ, là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, đã hiện ra với con’” (Xuất Ai Cập Ký 4:2-5). 

Qua đó, Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời có quyền trên thiên nhiên vạn vật, trong đó có con người. Chúa có thể dùng một cây gậy tầm thường để trở nên cây thần trượng biến hóa. Quyền năng của Chúa không bị giới hạn bởi vật chất hay khả năng của con người. Bởi vì, khi được Chúa sử dụng, một cây gậy có thể trở nên sống động trong hình hài một con rắn. Và “con rắn” đó hoàn toàn thuận phục bởi sự điều khiển của Chúa. 

Đức Chúa Trời có thể phát huy tối đa các khả năng hiện có của chúng ta và sử dụng chúng cho mục đích của Ngài. Nhưng trước hết, Chúa cần thánh hóa các khả năng đó, để cho mọi người thấy được các ân tứ đó là đến từ Chúa và để phục vụ công việc Chúa. Giống như “cây gậy bằng gỗ” được thánh hóa trở nên “cây gậy thần” để Môi-se sử dụng thuyết phục dân sự. Bởi vâng phục Chúa, Môi-se cầm thần trượng thi hành mười tai vạ tại Ai Cập, rẽ Biển Đỏ cho dân sự đi qua như trên đất khô (Xuất Ai Cập Ký 14:15-16), đập bể hòn đá tại Hô-rếp để cung cấp nước trong hành trình giữa sa mạc (Xuất Ai Cập Ký 17:5-6). Khi chúng ta vâng phục, Chúa có thể sử dụng những vốn luyến và kinh nghiệm tầm thường của chúng ta trở nên phi thường cho công tác của nhà Chúa (Rô-ma 12:6-8). Đây là cách mà Chúa đã làm trên nhiều cuộc đời được kêu gọi: Lòng dũng cảm của Đa-vít từ lúc còn đi chăn chiên, những chức nghiệp của các sứ đồ, cây kim của Ta-bi-tha, kiến thức của Phao-lô… 

II. TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI CHĂN BẦY (Xuất Ai Cập Ký 4:6-8)

Sau khi được Chúa thánh hóa hành trang lãnh đạo là cây gậy trên tay, Đức Chúa Trời lại thực hiện thêm một phép lạ trên đôi tay của Môi-se. Tại đây, Chúa mang đến cho ông một kinh nghiệm cá nhân để nhận thức thẩm quyền tuyệt đối của Ngài. Đây là thẩm quyền có năng lực tác động trực tiếp lên con người. Chúa luôn người được Ngài sử dụng kinh nghiệm quyền năng của Chúa một cách cá nhân.

Chúa phán cùng Môi-se, “hãy đặt tay vào ngực” (Xuất Ai Cập Ký 4:6). Cách dịch này của bản Kinh Thánh Truyền thống Hiệu đính (2010) và bản Kinh Thánh Truyền thống (1926) giống với bản dịch của King James, bản NKJV và bản truyền thống Do Thái JPS Tanakh (1917). Bên cạnh đó, các bản dịch khác như, bản tiếng Anh NIV, NLT và NRSV, là “hãy đặt tay vào trong áo khoác” (theo chuyển ngữ từ tiếng Anh của người viết). Trang phục của người Do Thái có hai loại áo khoác khác nhau. Chiếc áo khoác ở đây có hình chữ nhật, thường được đan bằng lông thú. Vì chỉ khoác trên người, nên khi làm việc, người ta không mặc nó cho đỡ vướng víu. Đây chính là simlāh mà người nghèo, lữ khách, người chăn chiên khoác lên mình trong những chuyến hành trình dài. Vào những đêm thâu không có điều kiện để vào quán trọ, họ cuộn trong chiếc áo này để giữ ấm qua đêm. Đây là chiếc áo đã che tấm thân trần truồng của Nô-ê trong cơn say (Sáng Thế Ký 9:23), là chiếc áo choàng mà Đức Chúa Giê-xu khuyến cáo người ta không cần trở về nhà từ ngoài đồng để lấy khi Chúa quang lâm (Ma-thi-ơ 24:18, Mác 13:16). Nhìn từ góc độ đời sống, chiếc áo khoác này chính là phương tiện sưởi ấm, che đậy tạm bợ những yếu đuối cho những ai cơ nhỡ. Dưới góc độ tâm linh, chiếc áo khoác chẳng có thể mang đến điều tốt hơn cho con người ô uế trước sự hiện diện của Chúa.

Vậy tại sao Đức Chúa Trời muốn Môi-se “đặt tay vào ngực” hay “vào trong áo khoác”? Nếu kết hợp cả hai cách chuyển ngữ của các bản dịch, hành động đặt tay vào ngực hay vào trong áo khoác gắn liền với ý nghĩa Chúa nhắc nhở người chăn bầy xem lại phẩm chất của mình. Kinh Thánh mô tả hình ảnh sau khi đặt tay vào ngực bên trong áo khoác, Môi-se lấy tay ra thì thấy tay mình bị phong cùi trắng như tuyết. Ngực, nơi trái tim hoạt động, trong văn hóa Do Thái là chỗ hội tụ điều khiển lý trí, ý chí và tình cảm của con người; tấm lòng của con người đã bị ô nhiễm tội lỗi và cần được Chúa thanh tẩy (Thi Thiên 51:6,10). Thời bấy giờ, nhận thức về bệnh phong cùi là do tình trạng ô uế (Lê-vi Ký 13:44). Vì vậy, việc đặt tay mình vào ngực khiến ông bị phong cùi cho thấy Chúa muốn Môi-se thấy bản chất của mình cách rõ ràng rằng, tâm chí phục vụ của ông trước đây cũng chỉ là ô uế, xấu xa. Và chiếc áo tha hương khoác lên thân phận chăn chiên bần hàn của ông dù đã bao năm che mắt nhiều người không nhận ra tấm lòng ô uế đó, nhưng Ngài vẫn có thể thấy và tỏ bày tất cả.

Dù vậy, Chúa không dừng tại điểm này. “Rồi Ngài phán: ‘Hãy đặt tay con vào ngực một lần nữa’. Ông lại đặt tay vào ngực, và khi lấy tay ra, kìa, da thịt tay ông trở lại bình thường” (Xuất Ai Cập Ký 4:7). Thật là kỳ diệu! Điều kỳ diệu đã diễn ra bằng sự thanh tẩy của Chúa. Một khi tấm lòng của Môi-se đã được Chúa biến đổi, những ô uế giấu kín bày ra được Chúa bôi xóa, thì việc chạm lại tâm hồn được Chúa thanh tẩy chính là cơ hội chính ông được sạch hết ô uế của phong cùi. Đây chính là bằng chứng Môi-se được Chúa sai phái đến với dân sự một cách mạnh dạng. Những ô uế chôn giấu trong tâm hồn ông đã được bôi xóa. Chiếc áo choàng che giấu thân phận bị truy nã của ông chẳng còn quan trọng nữa. Bởi vì, đời sống của ông đã được thanh tẩy, phẩm chất cứu dân tộc đã được phục hồi theo cách của Chúa. Và cây gậy lãnh đạo đầy quyền năng đang ở trong tay ông (Xuất Ai Cập Ký 4:17). 

Cũng một thể đó, tấm lòng và những niềm riêng chôn kín của người chăn bầy cần được Chúa thanh tẩy mới có thể tự do bước đến lãnh đạo Hội thánh. Ngày trước người Do Thái lên án Môi-se thì ông chạy trốn, còn giờ đây, ông mạnh dạng đối diện với họ. Vẫn là một Môi-se nhưng tâm hồn ô uế của ông đã được Chúa thăm viếng và tẩy sạch tội lỗi. Người hầu việc Chúa cần nhận được điều này. Đã có những lúc bị anh em lên án khiến chúng ta quay lưng bỏ chạy, nhưng một khi được Chúa biến đổi, chúng ta sẽ chẳng sợ hãi phải đối diện nỗi đau ngày trước. Thế thì, người chăn bầy cần lắm giây phút được diện kiến cùng Chúa để Ngài tỏ ra và làm sạch tấm lòng. 

Sứ đồ Gia-cơ đã dạy: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi các tội nhân, hãy rửa sạch tay mình; hỡi kẻ hai lòng, hãy thanh tẩy lòng mình đi” (Gia-cơ 4:8). Bất cứ ai phục vụ Chúa cũng phải trang bị một tấm lòng thánh khiết để bàn tay được trong sạch. Lời Chúa nhắc nhở: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm Ngôn 4:23).

III. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CHĂN BẦY 

Chức vụ người chăn bầy là một chức vụ thiêng liêng từ sự kêu gọi thiên thượng. Nếu không có sự kêu gọi từ nơi Chúa thì không ai có thể đứng vững và tiếp tục phục vụ Chúa được. Cố Mục sư Giáo sĩ John Drange Olsen, vị đốc học khả kính của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng thường dạy dỗ sinh viên rằng: “Nếu các thầy không có sự kêu gọi của Chúa, thì nên tránh bước vào chức vụ như tránh lửa địa ngục”.

Sứ đồ Phao-lô kêu gọi những người trẻ: “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính dũng cảm của Đấng Christ Giê-xu” (II Ti-mô-thê 2:3). Chức vụ chăn bầy đòi hỏi sự dấn thân, nghĩa là phải chịu khổ. Như một mục sư lão thành đã chia sẻ, “trong tự điển của người chăn bầy không có chữ “khổ”. Vì khổ là điều đương nhiên trong chức vụ”.

Trong khía cạnh nhạy cảm nầy, xin bàn đến nỗi khổ của Môi-se. Ấy là khi Môi-se đi lên núi Si-nai gặp Chúa để nhận bảng Mười Điều Răn, thì dân Y-sơ-ra-ên được chăn dắt bởi thầy tế lễ A-rôn. Chính lúc đó dân Y-sơ-ra-ên nổi loạn, gom góp vàng bạc đem đến A-rôn để đúc bò con vàng. Rồi dân chúng cho rằng: “Đây là thần đã giải cứu họ ra khỏi Ai Cập” (Xuất Ai Cập Ký 32:1-4). A-rôn lập bàn thờ bò con vàng cho dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng. Họ ăn uống nhảy múa như hình thức thờ phượng tà thần của thổ dân (Xuất Ai Cập Ký 32:5-6). Biến cố bại hoại nầy khiến cho Chúa hình phạt khoảng ba ngàn người Y-sơ-ra-ên bị chết bởi tay người Lê-vi (Xuất Ai Cập Ký 32:25-35, 28).

Một màu tang thương phủ trên dân Y-sơ-ra-ên mà nguyên nhân do sự lãnh đạo yếu kém của A-rôn. Mặc dù A-rôn có tuổi tác hơn, vì là anh Môi-se. A-rôn có chức vụ quan trọng là thầy tế lễ, lại là thầy tế lễ thượng phẩm. Dù vậy, A-rôn đã chăn dắt dân sự theo ý riêng, xu hướng thế gian, thờ lạy hình tượng… Hậu quả khôn lường là sự bại hoại thuộc linh. Đến nổi, Chúa đã ra tay hình phạt họ. Đây là một thực tế đau lòng. Ngày nay, đôi khi sự thất bại thuộc linh của người lãnh đạo gây hậu quả nghiêm trọng đến Hội thánh. Nó xuất phát từ những xu hướng thế tục của người chăn bầy thiếu trách nhiệm với Chúa. Nhiều khi, hậu quả gây thương tổn cho bầy chiên không đến từ bọn lang sói, nhưng do sự lãnh đạo thủ đoạn, bè phái, chỉ muốn làm vừa lòng con người. Như thầy tế lễ A-rôn đã chìu theo dục vọng buông tuồng của dân sự (Xuất Ai Cập Ký 32:25), còn chúng ta thì sao?

Điều A-rôn làm khiến cho Môi-se rất khổ tâm, đến nổi đã đập bể hai Bảng Điều Răn khi xuống núi (Xuất Ai Cập Ký 32:19-20). Trong chức vụ chăn bầy, đôi khi bạn đồng lao hay anh chị em trong gia đình cũng là nguyên nhân gây nên đau khổ! Một lần khác, A-rôn và Mi-ri-am (anh chị ruột của Môi-se) đem chuyện nội bộ gia đình vợ con của Môi-se ra nói hành (Dân Số Ký 12:1-5). Nhìn về vấn nạn nầy, sứ đồ Phao-lô từng nói: “Trong nhiều cuộc hành trình, gặp nguy hiểm trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong thành phố, nguy ngoài hoang mạc, nguy trên biển cả, nguy với những kẻ giả danh anh em” (II Cô-rinh-tô 11:26). Trong kinh nghiệm chịu khổ của chức vụ chăn bầy, sứ đồ trưởng Phi-e-rơ đã nói: “Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong thể xác, thì anh em cũng hãy lấy tư tưởng ấy làm vũ khí” (I Phi-e-rơ 4:1a).

Đối diện với nỗi khổ tâm, đau đớn trong chức vụ, Môi-se đã làm thế nào? – Môi-se đã trực tiếp đến với Chúa. Ông cầu xin Ngài giảm cơn thạnh nộ, tha thứ tội lỗi vì sự bại hoại của dân sự (Xuất Ai Cập Ký 32:31-32). Trách nhiệm lãnh đạo của Môi-se đã thể hiện qua lời cầu xin tha thiết: “Nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Nếu không, xin Ngài xóa tên con khỏi sách Ngài đã viết” (Xuất Ai Cập Ký 32:32). Hy sinh đời sống, quên mình để phục vụ bầy chiên, cứu vớt bầy chiên lạc lối, luông tuồng, tội lỗi là tâm tình cao quý của người chăn bầy chân chính. Môi-se chính là người chăn bầy trách nhiệm trong Cựu Ước, nêu cao gương mẫu cho chúng ta noi theo. 

Chính gương mẫu trách nhiệm đó đã được Đức Chúa Giê-xu thực hành cách hoàn hảo bằng sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá. Lời của Đấng Christ kêu gọi gánh trách nhiệm, quên mình, từ chối dục vọng, vác thập tự giá theo Chúa luôn vọng vang qua các thế hệ người chăn bầy (Lu-ca 9:23; Mác 8:34; Ma-thi-ơ 16:24). Đấng kêu gọi ấy đang nói với tôi và bạn hôm nay. Và Đấng ấy chính là Đức Chúa Giê-xu, “Người Chăn nhân lành vì bầy chiên hy sinh mạng sống mình” (Giăng 10:11) – NVĐ

Related Articles

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here